TP.HCM đột phá y tế chuyên sâu

Theo kế hoạch, ngày 17.6, lần đầu tiên Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị “Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM”.

Việc này cũng nhằm làm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng TP trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe cho cả khu vực ASEAN theo định hướng của Bộ Chính trị.

PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Tăng Chí Thượng (ảnh), Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, xung quanh kế hoạch này.

bs thượng

PGS-TS Tăng Chí Thượng

Giữ bệnh nhân ở lại trong nước

Ông có nhận xét gì về tình hình người dân Việt Nam đi nước ngoài khám chữa bệnh (KCB)?

PGS-TS Tăng Chí Thượng: Thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng người dân có điều kiện kinh tế vẫn đi nước ngoài để KCB hoặc khám sức khỏe, tầm soát bệnh bằng công nghệ cao giúp phát hiện bệnh sớm như ung thư, bệnh tim mạch… Chi phí mỗi năm cụ thể như thế nào thì chưa thống kê chính xác hết được, nhưng chắc chắn không nhỏ (theo Bộ Y tế ước tính khoảng 2 tỉ USD mỗi năm).

Các lý do chính có thể là người dân còn thiếu thông tin về các kỹ thuật y tế chuyên sâu đã được triển khai thành công tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM, hoặc biết nhưng chưa hài lòng với cơ sở hạ tầng, dịch vụ tiện ích của các BV, hoặc chưa thật sự đặt niềm tin vào BV trong nước…

Hội nghị “Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu TP.HCM” vào ngày 17.6 tới đây cũng là dịp để ngành y tế TP.HCM giới thiệu sâu rộng đến người dân về năng lực kỹ thuật chuyên sâu hiện nay của các BV để người dân có đầy đủ thông tin hơn và an tâm hơn khi chọn các BV trên địa bàn TP thay vì đi nước ngoài để KCB.

Lý do và cơ sở nào để TP.HCM định hướng phát triển xây dựng trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, thưa ông?

Ngày 30.12.2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết tạo thêm động lực cho TP.HCM phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Riêng đối với ngành y tế TP.HCM, Nghị quyết số 31 nêu rõ: “…Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”.

Để có cơ sở khoa học và thực tiễn tiến tới xây dựng TP.HCM trở thành một trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN, ngành y tế TP tổ chức hội nghị khoa học với sự tham gia của tất cả các chuyên gia hàng đầu của tất cả các chuyên ngành trong lĩnh vực y tế thuộc các BV đa khoa, chuyên khoa công lập và tư nhân, và các trường đại học thuộc khối ngành sức khỏe trên địa bàn. Tại hội nghị, ngành y tế TP.HCM sẽ trình bày các nhóm giải pháp quan trọng để các BV cùng phấn đấu đưa TP sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của cả khu vực.

bv nhi đồng 1

TP.HCM định hướng hình thành trung tâm y tế chuyên sâu khu vực ASEAN.

Khi xây dựng các nhóm giải pháp, việc nghiên cứu và tìm hiểu những bài học kinh nghiệm của các nước trong khu vực ASEAN làm thế nào để thu hút đông đảo người dân và khách du lịch đến KCB là rất cần thiết. Thái Lan, Singapore và Malaysia là 3 quốc gia trong khu vực đã được các chuyên gia tham khảo và đúc kết khi xây dựng các nhóm giải pháp.

Ngoài ra, còn có hơn 80 báo cáo khoa học tập trung vào các kỹ thuật y tế chuyên sâu đã được các BV triển khai thành công trong thời gian qua. Đồng thời các chuyên gia y tế còn xác định những khoảng trống cần được lấp đầy về việc triển khai kỹ thuật chuyên sâu so với các nước có hệ thống y tế phát triển trong khu vực.

Hội nghị cũng là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực y tế chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và những thành tựu trong lĩnh vực y tế chuyên sâu. Qua đó xây dựng môi trường hợp tác chặt chẽ giúp phát huy hơn nữa nguồn lực sẵn có trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân.

kỹ thuật chuyên sâu
Các bệnh viện tại TP.HCM hiện đã triển khai được các kỹ thuật chuyên sâu dùng công nghệ cao

Kinh nghiệm của Thái Lan, Singapore và Malaysia

Ông có thể nhận xét ngành y tế TP.HCM đứng ở đâu so với khu vực?

Xét ở góc độ thu hút đông người dân và khách du lịch đến KCB thì đứng đầu trong ASEAN hiện nay vẫn là Bangkok (Thái Lan), thứ hai là Singapore và thứ ba là Malaysia. TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung chưa có tên trong danh sách những nơi thu hút đông người dân trong khu vực đến sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Thái Lan, Singapore và Malaysia có những bài học kinh nghiệm giống và khác nhau trong việc thu hút người dân trong và ngoài nước đến KCB, nhưng Thái Lan vẫn là nước đáng nghiên cứu nhất. Chính phủ Thái Lan xem phát triển du lịch y tế là một chính sách quan trọng trong thu hút du khách và tạo nguồn thu không nhỏ từ loại hình dịch vụ này. Họ triển khai nhiều giải pháp, như đơn giản hóa thủ tục hành chính khi người dân nước khác đến KCB; giá dịch vụ y tế cạnh tranh và có nhiều điểm du lịch kết hợp với y tế, thu hút nhiều du khách đến Thái Lan chữa bệnh gắn với nghỉ dưỡng. Đây cũng là nước biết kết hợp hiệu quả giữa y học hiện đại và y học cổ truyền.

Singapore thì họ mời các tổ chức có uy tín, có thương hiệu trên thế giới từ Mỹ, Anh đến mở cơ sở KCB tại nước mình. Đặc biệt, Singapore rất chú trọng đến hoạt động nghiên cứu và phát triển y tế để triển khai nhiều công nghệ điều trị mới ngang tầm các nước có hệ thống y tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Anh, Úc…

Cả hai quốc gia nói trên có điểm giống nhau là quan tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Họ gửi nhân lực đi đào tạo ở các nước phát triển hoặc mở cơ sở đào tạo của các nước có hệ thống y tế phát triển mạnh ngay tại nước mình. Bên cạnh đó, 2 nước này đầu tư rất mạnh cho cơ sở hạ tầng y tế, BV nào cũng đẹp như khách sạn. Họ còn đầu tư mạnh cho chuyển đổi số trong quản lý y tế… tất cả đều đáng nghiên cứu và vận dụng.

Riêng Malaysia nhiều năm liền vẫn không tiến lên được hạng 2. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu về du lịch y tế, lý do chính là giá dịch vụ y tế của Malaysia vẫn cao, khó cạnh tranh được với Thái Lan. Hơn nữa, thủ tục hành chính tại quốc gia này yêu cầu phức tạp hơn so với Thái Lan và Singapore, nên thu hút các nhà đầu tư cũng như khách du lịch y tế không mạnh bằng 2 nước kia.

kỹ thuật chuyên sâu

Nhiều kỹ thuật chuyên sâu đã được các bệnh viện tại TP.HCM thực hiện tốt

Giải pháp của TP.HCM

Vậy TP.HCM đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như thế nào cho mục tiêu trở thành trung tâm y tế chuyên sâu khu vực ASEAN?

Từ thực tiễn của hệ thống y tế TP.HCM và những bài học kinh nghiệm của các nước, ngành y tế TP đề xuất 7 nhóm giải pháp để Nghị quyết số 31 năm 2022 của Bộ Chính trị sớm đi vào cuộc sống trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân.

Các nhóm giải pháp tập trung vào hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, triển khai khu y tế kỹ thuật cao theo mô hình viện – trường; không ngừng phát triển kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Cùng với đó, xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở; cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; quan tâm và đầu tư để TP.HCM trở thành điểm đến du lịch y tế, đẩy mạnh kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế.

Để triển khai các giải pháp trên một cách hiệu quả, cần phải có sự phối hợp giữa các sở, ngành. Như giải pháp phát triển du lịch y tế, thì Sở Du lịch và Sở Y tế phải tăng cường hợp tác đi vào chiều sâu và có cơ sở khoa học. Ở Thái Lan, khi du khách đến thì thủ tục đơn giản, xe đưa đón tận sân bay đưa về BV. Họ coi đó là một dịch vụ có nguồn thu nên làm rất bài bản, còn ở ta thì chưa. Một giải pháp rất quan trọng đó là bên cạnh phát triển các kỹ thuật y tế chuyên sâu, thì phải xây dựng mạng lưới chăm sóc sức khỏe mang tính liên tục từ cơ sở y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở…

Những thách thức

Có những trở ngại nào khiến ngành y tế TP.HCM ít được người dân khu vực ASEAN biết đến, hoặc thách thức khiến y tế TP.HCM chưa phát triển như mong muốn, thưa ông?

Trong những năm qua, lãnh đạo TP.HCM đã quan tâm và rất ưu tiên đầu tư y tế để cải tạo và xây dựng mới nhiều BV. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn mong được sớm tiếp tục đầu tư cho các BV: Chấn thương chỉnh hình, Tâm thần, Bệnh nhiệt đới. Định hướng khu y tế kỹ thuật cao theo mô hình viện – trường tại Tân Kiên (H.Bình Chánh) là mô hình hiện đại theo xu hướng thế giới mà TP cần sớm đẩy nhanh.

Bên cạnh đó, có những hạn chế mang tính chủ quan cần được nhận diện và chủ động có biện pháp khắc phục cũng được các chuyên gia chỉ ra.

Thứ nhất, đó là ngôn ngữ giao tiếp của nhân viên y tế thuộc các BV công lập chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế cho công tác KCB người nước ngoài. Thứ hai, chưa phát huy thế mạnh mô hình viện – trường trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, trong quảng bá kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới… (điều này khiến thế giới thiếu thông tin về sự phát triển của ngành y tế TP.HCM, mặc dù tay nghề đội ngũ y bác sĩ TP rất cao, kỹ thuật khó nào cũng làm được, ví dụ như mổ robot, thụ tinh trong ống nghiệm, thông tim). Thứ ba, lãnh đạo các BV đầu ngành chưa thực sự quan tâm đúng mức trong việc nghiên cứu, chủ động tham gia vào danh sách xếp hạng các BV chuyên khoa hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Cuối cùng là du lịch y tế chưa được chú trọng đúng mức, phát triển còn manh mún.

Khi nghị quyết (về cơ chế vượt trội phát triển TP.HCM – PV) thay thế Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội ra đời, thì TP.HCM cần sớm khôi phục lại vay vốn kích cầu để các BV có nguồn đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, giá kỹ thuật y tế cần sớm được tính đúng, tính đủ để các BV đủ kinh phí hoạt động và phục vụ người dân, không phân biệt bệnh nhân (BN) trong và ngoài nước về chuyên môn. Dịch vụ y tế Việt Nam nếu giá tính đúng, tính đủ thì cũng sẽ cạnh tranh với các nước. Nhưng để đáp ứng yêu cầu đa dạng của BN thì phải thiết kế phòng ốc, bữa ăn có nhiều sự lựa chọn khác nhau, phù hợp với từng quốc gia…

Như vậy, TP.HCM cần nhiều chính sách để ngành y tế phát triển?

Các giải pháp nêu trên đã cho thấy rõ nỗ lực của đội ngũ nhân viên ngành y tế TP.HCM không thiếu, nhưng hiệu quả sẽ hạn chế nếu thiếu các cơ chế, chính sách.

Khi TP.HCM xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 31 năm 2022 của Bộ Chính trị, liên quan đến lĩnh vực y tế, nhóm chuyên gia có 7 kiến nghị: luật KCB sớm đi vào cuộc sống; TP.HCM sớm ban hành chiến lược về phát triển du lịch y tế; có cơ chế, chính sách thu hút các BV uy tín trên thế giới đến mở cơ sở tại TP.HCM…

Cùng với đó, có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội tham gia phát triển y tế chuyên sâu; thu hút các trường đại học y khoa có uy tín trên thế giới phối hợp các trường y khoa trong nước đào tạo bác sĩ theo chuẩn quốc tế; thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao trong và ngoài nước tham gia hoạt động chăm sóc sức khỏe trên địa bàn; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản trị và chất lượng cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Xin cảm ơn ông!

y tế chuyên sâu

Duy Tính

Nguồn tin : Báo Thanh Niên

THÔNG TIN LIÊN HỆ MỸ VIỆN CHARMING

57 Bis Bùi Thị Xuân, Phường Bến Thành, Quận 1, Tp.HCM
146 Lê Thị Riêng, Phường Bến Thành, Quận 1, Tp.HCM
* Trung tâm Charming có 2 mặt tiền
Có chỗ để xe MIỄN PHÍ cho xe máy và ô tô
Đặt hẹn 028.665.44.339 | Hotline 0973.60.60.600964.60.60.60
Email: tuvancharming@gmail.com
Website: www.deptoandien.vnwww.charmingspa.com

Ý KIẾN TƯƠNG TÁC
logo-partner
logo-partner